Ba kích tím có tên gọi khác là dây ruột già, chẩu phóng xì (Quảng Ninh), sáy cáy (Thái), thao tày cáy (Tày), ba kích thiên (Trung Quốc)…
Tên khoa học của ba kích tím là Morinda officinalis stow. Một cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae).
Thành phần hóa học trong rễ ba kích có chứa các anthraglucosid, iridoid glucoside, các sterol, các chất vô cơ như K, Na, Mg, Fe, Cu, Zn…, tinh bột, đường, acid hữu cơ, tinh dầu, vitamin C. Theo nghiên cứu và các nguồn tài liệu như:
– Trong rễ ba kích khô có acid hữu cơ, đường, nhựa, anthraglucoside, phytosterol, 1 ít tinh dầu, Morindin. Rễ tươi có Vitamin C (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
– Trong Ba Kích có chứa Gentianine, Carpaine, Choline, Trigonelline, Díogenin, Yamogenin, Gitogenin, Tigogenin, Vitexin, Orientin, Quercetin, Luteolin, Vitamin B1 (Trung Dược Học).
Công dụng dược lý của ba kích:
+ Theo nghiên cứu của Trần Mỹ Tiên “ Nghiên cứu tác dụng hướng sinh dục nam của ba kích ( Morinda officinalis How)” kết quả cho thấy trên cơ địa động vật thí nghiệm (chuột) giảm năng sinh dục, sử dụng cao ba kích đã thể hiện tác dụng làm tăng nồng độ testosteron trong máu, tăng trọng lượng của cơ quan sinh dục đực và cơ nâng hậu môn, tăng nồng độ protein toàn phần trong huyết tương và không làm tăng thể trọng cơ thể ở 2 liều thử nghiệm 50mg/kg và 100mg/kg
+ Tăng sức dẻo dai: Cho chuột thí nghiệm dùng ba kích với liều 5-10g/kg liên tục trong 7 ngày, bằng phương pháp chuột bơi thấy có tác dụng tăng sức dẻo dai cho chuột thí nghiệm (Trung Dược Học)
+ Tăng sức đề kháng: Dùng phương pháp gây nhiễm độc cấp bằng ammoni clorid trên chuột nhắt trắng với liều 15g/kg. Ba kích có tác dụng tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể đối với các yếu tố độc hại (Trung Dược Học)
+ Chống viêm: Trên mô hình gây viêm thực nghiệm ở chuột cống trắng bằng Kaolin với liều lượng 5-10g/kg, ba kích có tác dụng chống viêm rõ rệt. Hợp chất iridoid có khả năng chống viêm hiệu quả trên chuột và thỏ, hợp chất iridoid glycoside, monotropein có tác dụng giảm đau, chống viêm (Jongwon Choi,2005)
+ Với hệ thống nội tiết: Các thí nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt cho thấy Ba kích không có tác dụng kiểu Androgen nhưng có thể có khả năng tăng cường hiệu lực của Androgen hoặc tăng cường quá trình chế tiết hormon Androgen (Trung Dược Học)
+ Chống loãng xương: Theo kết quả nghiên cứu của Qiao-Yan Zhang và cs đã phân tích được 7 hợp chất của anthraquinon từ rễ Ba kích là: Physicion (1), rubiadin-1-methyl ether (2), 2-hydroxy-1-anthraquinone methoxy- (3), 1,2-dihydroxy-3-methyl anthraquinone (4), 1,3,8 – trihydroxy – Anthraquinone 2 – methoxy – (5), 2-hydroxymethyl-3-hydroxyanthraquinone (6), 2-methoxy anthraquinone (7). Trong đó hợp chất 4 và 5 cho thấy tác dụng kích thích đáng kể đến hoạt động ALP tế bào tạo xương ở một liều lượng, hợp chất 1 và 5 cho thấy tác dụng ức chế mạnh mẽ hơn với tế bào hủy xương (LI Kai (2012))
Các bài thuốc từ ba kích
– Chữa gân xương yếu, lưng, đầu gối đau buốt: Ba kích, đỗ trọng bắc tẩm muối sao, nhục thung dung, thỏ ty tử, tỳ giải tất cả 400g; Hươu bao tử: 1 bộ. Các vị trên làm hoàn cứng to bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần uống 6g thuốc hoàn / 3 lần/ngày.
– Hoàn Ramazona chữa suy nhược, gầy còm hoặc béo bệu, kém ăn, kém ngủ, chân tay đau nhức, huyết áp cao: Ba kích 150g (chế cao 1/5 để khử chất gây ngứa cổ), hà thủ ô trắng chế đậu đen 150g (chế cao 1/5), ngưu tất 150g (chế cao 1/5), lá dâu non 250g (chế cao 1/5), vừng đen chế 150g (sao thơm), rau má thìa 500g (làm bột mịn), mật ong 250g. Đem các vị trên chế hoàn mềm 10g. Ngày uống 3 lần/1 hoàn.
– Chữa thận hư: Nam giới liệt dương, xuất tinh sớm, phụ nữ khó thụ thai, dương hư: Ba kích, đảng sâm, phúc bồn tử, thỏ ty tử, thần khúc (tất cả 300g); Củ mài núi khô 600g. Đem các vị trên, tán bột mịn làm hoàn 10g với mật ong. Ngày uống 2-3 lần/ 1 hoàn.